(ĐTCK) Việt Nam đang tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng quan hệ thương mại, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng…, tạo cơ hội để ngành logistics, cảng biển phát triển hơn.
Cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải: “Xương sống” ngành logistics
Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng ngành logistics bình quân hàng năm đạt 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 lên gần 700 tỷ USD. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 370 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước và xuất siêu 11,63 tỷ USD.
Trong buổi tiếp đón ông Turgut Erkeskin – Chủ tịch Liên đoàn Các hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) vào trung tuần tháng 7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, Việt Nam là nền kinh tế mở nên lĩnh vực logistics có vai trò rất quan trọng.
Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ xem xét thành lập cơ quan chỉ đạo về dịch vụ logistics với bộ máy chuyên môn đủ mạnh, có năng lực, có thẩm quyền để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực quan trọng này, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển dịch vụ logistics đặt ra, đảm bảo phù hợp với xu hướng và bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng hiện nay. Ngoài ra, Việt Nam đang tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng logistics.
Ông Turgut Erkeskin cũng đánh giá cao Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến 2045, nhất là trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo Chủ tịch FIATA, Việt Nam có tiềm năng lớn trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới nên cần huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển ngành kinh tế này.
Theo Savills Industrial, ngành logistics Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi đáng chú ý trong những năm gần đây, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào mạng lưới thương mại toàn cầu.
Với vị trí địa lý chiến lược và nền kinh tế phát triển nhanh chóng, Việt Nam nổi lên như một mắt xích quan trọng trong bối cảnh logistics tại khu vực. Ngành này bao gồm nhiều hoạt động khác nhau như vận tải, kho bãi, phân phối và quản lý chuỗi cung ứng…
Trong đó, hệ thống cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải được ví như “xương sống”, gồm mạng lưới đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay và đường thủy nội địa. Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào việc phát triển cơ sở hạ tầng để nâng cao kết nối và tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông hàng hóa hiệu quả.
Các dự án hạ tầng đáng chú ý bao gồm việc mở rộng và hiện đại hóa các cảng biển tại Hải Phòng, Đà Nẵng TP.HCM…, cũng như việc phát triển các tuyến đường cao tốc và đường sắt nối liền các trung tâm kinh tế trọng điểm.